Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Tháng 04 : 37
Năm 2024 : 849
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vũ Thị Việt Hà – Sáng mãi một tấm lòng

“Cuộc đời có một bầu trời, còn ta có một đôi cánh. Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”

(Bailey – Triết gia Anh)

Vũ Thị Việt Hà – Một cái tên sáng mãi một tấm lòng.

Đúng vậy! Mỗi con người khi sinh ra có mặt trên thế gian này không phải ai cũng may mắn để có một cuộc sống, một cuộc đời trải đầy hoa thơm. Mà đó là những giông tố, những ngã rẽ của lựa chọn, một là dừng lại hai là đi tiếp. Những lúc đôi chân muốn nghỉ, ngọn nến đã muốn tắt, con tim đã dần nguội lạnh, và đôi tay đã muốn buông xuôi. Nhưng ở phía cuối đường hầm vẫn có ánh sáng, ở tận sâu đau khổ vẫn có tia hy vọng, và ở trong cái Tôi của con người là một nghị lực phi thường “Vũ Thị Việt Hà – một cái tên sáng mãi một tấm lòng”.

Sinh ra và lớn lên ở quê hương an toàn khu II, xã Hoàng Thanh – huyện Hiệp Hòa – tỉnh Bắc Giang. Bố mẹ là những kỹ sư địa chất của tỉnh. Chị không theo ngành của bố mẹ mà chọn con đường sư phạm. Năm 1999, chị tốt nghiệp hệ trung cấp sư phạm trường Cao đẳng sư phạm Ngô Gia Tự Bắc Giang, mang theo hoài bão ước mơ của một cô giáo trẻ, về công tác và giảng dạy tại trường Mầm non Hoàng Thanh. Theo như lời chị kể, những năm đầu về dạy vẫn còn phải đi học nhờ của Nhà văn hóa thôn Đồng Thanh, trời mưa thì ngập hết sân, trời nắng thì oi ả vì  nhà văn hóa nằm ở gần cánh đồng, chị đùa rằng “Hôm nào mà mưa thì được bữa cá đồng”.

Cuộc sống vật chất thì khó khăn thiếu thốn, đồng lương thì eo hẹp, những năm 1999 mức lương chị nhận được là 60.000đ/tháng, và được 1 tạ thóc/năm. Mặc dù bỏ cả tháng chăm từng bữa ăn giấc ngủ cho đàn con thơ đổi lại được 60.000đ mà lòng chị vẫn vui, vẫn yêu nghề, yêu lớp lắm. Là người có năng lực lại nhiệt tình trong giảng dạy nên ngay những năm đầu về trường chị đã là tổ trưởng tổ chuyên môn, không những giúp đỡ chị em về kiến thức mà chị còn như người chị cả trong trường, động viên chị em lúc khó khăn trong cuộc sống. Đồng lương eo hẹp, chị em đi dạy về vẫn phải làm thêm đồng ruộng, chăn nuôi. Đó là những khuôn mặt lấm lem sáng ra tranh thủ dậy sớm đi gặt lúa, là những tiếng thở dài khi hết tháng nhận lương. Mọi người trong trường vẫn hay kể lại “Hà nó yêu đời lắm, sáng nào mà nó chả nói “Chị em ơi, tiếng hát át tiếng cơm”. Đó là lời động viên, an ủi tinh thần khi gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ lên vai chị em, những người cô giáo trẻ.

Bằng sự phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ, tìm tòi sáng tạo chị đã đạt 10 năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện, 5 năm giáo viên giỏi cấp tỉnh, nhiều năm liền là lao động tiên tiến.

Không những giỏi việc nước, mà chị còn đảm việc nhà, sống chung với bố mẹ chồng chị luôn được ông bà yêu mến. Có hai cậu con trai hóm hỉnh, cháu Lê Ngọc Sang năm nay học lớp 12 đồng nghĩa với việc 12 năm cháu là học sinh giỏi, 4 năm học sinh giỏi cấp huyện. Tổ ấm của chị lúc nào cũng vang tiếng cười của người mẹ hiền, chị luôn nói với chúng tôi “Gia đình là số một em ạ”. Hết lòng với công việc, tận tụy với gia đình là điều mà ai cũng nhận thấy ở con người của chị.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn màu hồng, cũng thuận buồm xuôi gió. Năm 2016 trong đợt đi khám sức khỏe định kỳ tại Hà Nội chị đã bị phát hiện ra căn bệnh ung thư vú và phải cắt bỏ phần vú, khi nhận được tin dữ tập thể nhà trường đến chơi, nhìn đôi mắt sâu thẳm, đôi má hao gầy ai cũng xót xa. Và tôi không thể nào quên được những giọt nước mắt của mẹ chồng chị khi nói với chúng tôi “Giá mà được thay thì tôi nguyện thay cho nó để nó nuôi con, con nó còn nhỏ, nó là đứa ngoan”. Nghe nói vậy mà cả trường không ai cầm được nước mắt. Trước khi cơn bạo bệnh ập đến chị vẫn được mệnh danh là ‘sumô” của trường khi cán mốc 65kg. Vậy mà chỉ qua hai tháng chị chỉ còn 45kg. Trước mặt chúng tôi giờ đây chị là một con người khác. Qua những lần trị xạ đau đớn mái tóc đã rụng hết, gò má đen lại hốc hác. Không biết giúp gì cho chị, chúng tôi những người đồng nghiệp, những người chị em chỉ biết gọi điện động viên chia sẻ. Nhưng quả thật con người chị rất kiên cường, tâm lý chị rất vững, chỉ lúc đầu chị hơi sốc khi biết tin nhưng sau đó chị đã vững lòng. Lần nào gọi điện cũng vậy chị đều cười và nói “Ngon rồi,ngon rồi” . Nhưng tôi biết chứ, nói vậy thôi chứ lòng chị rất đau, đó là sự quằn quại về thể xác về những mũi kim, những đợt xạ truyền hóa chất, ra viện với mái tóc đã trụi hết, chị mua tóc giả và gọi điện bảo chị em vào chơi, chị khoe ngay “Xinh không, nhờ thế mà ta được đổi mốt” làm chị em ai cũng vừa cười vừa khóc. Sau 18 lần truyền hóa chất chị đã về nhà và chị nói với chúng tôi “Phải sống vui, sống khỏe, sống vì chồng vì con”.

Hằng ngày chị đều duy trì nếp sống văn minh, chịu khó tập luyện thể dục, đi bộ, ăn uống điều độ. Nhờ vậy mà chị đã khỏe hơn nhiều. Tôi thiết nghĩ rằng nếu mình mà rơi vào hoàn cảnh như chị ấy chắc có lẽ mình không vững vàng, kiên định được như thế.

Giờ đây mỗi ngày đến trường mọi người nhìn vào chị như nhìn vào một niềm tin sống, với tính cách hài hước, hiền dịu, chị được đồng nghiệp ai cũng quý mến.

(Chị đang trò chuyện thân mật bên đồng nghiệp)

Ngoài những giờ lên lớp chị là trưởng khu, tổ trưởng tổ chuyên môn chị còn thường xuyên tham gia lao động, tự tay mình tưới những bồn hoa trước cửa lớp.

(Bàn tay chị đang chăm sóc vườn rau và bồn hoa)

Trải qua một năm bạo bệnh giờ này chị đã trở lại với đàn con thơ, với những trang sách, câu chuyện còn dang dở.

Câu chuyện vượt qua cơn bạo bệnh của chị giống như một câu chuyện cổ tích đời thường.

“Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống

Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu”

Vũ Thị Việt Hà – Một cái tên sáng mãi một tấm lòng.

 

                                                       Tác giả: Dương Thị Mai

                      Giáo viên trường Mầm non Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Video Clip
Văn bản mới
Tài liệu mới
Video Clip